Cardboard Design Lab là ứng dụng thú vị cung cấp cho người dùng những nguyên tắc cơ bản của việc thiết kế và phát triển các trải nghiệm thực tế ảo.
Năm 2015, Google đã chính thức đưa sản phẩm kính thực tế ảo ra thị trường đi kèm ứng dụng Cardboard nhằm hỗ trợ người dùng trải nghiệm thực tế ảo ngay trên điện thoại. Tuy nhiên, thiết kế một chương trình trong môi trường 3D "ảo" khác hoàn toàn với thiết kế sản phẩm trong môi trường 2D nên "gã tìm kiếm khổng lồ" cũng đã quyết định đưa ứng dụng có tên Cardboard Design Lab lên Google Play với mục đích cung cấp cho những người quan tâm tới lĩnh vực này bộ nguyên tắc cơ bản về thiết kế VR (Virtual Reality) trong môi trường thực tế ảo.
Sử dụng Reticle: Thông thường, người dùng có thể xác định khá chính xác các đối tượng có kích thước nhỏ bằng cách liên tục di chuyển mắt nhìn từ điểm này sang điểm khác. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn để họ xác định được vị trí các đối tượng trung tâm nếu bạn sử dụng một đường thẳng (hoặc điểm, được gọi là Reticle) đan vào nhau xuất hiện trước mắt khi nhìn qua ống ngắm của kính thực tế ảo.
Chiều sâu của giao diện người dùng (UI) và sự mỏi mắt (Eye Strain): Theo Google, giao diện người dùng cách khoảng 3m so với Camera là tốt nhất đối với trải nghiệm thực tế ảo. 3m là khoảng cách đủ để mắt không bị mỏi và phù hợp để đưa người xem vào môi trường giả lập.
Sử dụng một tốc độ không đổi: Việc liên tục thay đổi tốc độ khung hình (tăng hoặc giảm đột ngột) có thể khiến trải nghiệm thực tế ảo không hoàn hảo như mong muốn. Do vậy, người dùng cần cố gắng thực hiện các thao tác điều chỉnh trên ứng dụng thật mượt mà để tránh các sự cố.
Duy trì sự tập trung của người dùng vào mặt đất: Luôn luôn thêm các điểm liên quan để giúp người dùng tập trung vào đối tượng thay vì bị mất phương hướng.
Duy trì hiệu ứng Head Tracking (con quay hồi chuyển): Đảm bảo rằng luôn có ít nhất một yếu tố duy trì được hiệu ứng giúp người xem có thể "đắm chìm" trong môi trường thực tế ảo khi họ có thể xoay đầu để khám phá khung cảnh xung quanh mình dựa trên các cảm biến chuyển động.
Thu hút sự chú ý bằng ánh sáng: Trong môi trường thực tế ảo, người dùng có thể nhìn bất cứ nơi đâu. Do đó, điều quan trọng là hướng dẫn người xem theo hướng mà bạn muốn họ tập trung quan sát. Một trong những cách tốt nhất để làm điều này đó là sử dụng ánh sáng nhằm gây sự chú ý.
Ảnh hưởng của tỷ lệ: Những sự khác biệt lớn về tỷ lệ rất hiệu quả trong môi trường thực tế ảo. Tối ưu hóa yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới cách mà người dùng bị tác động bởi môi trường mà bạn tạo ra.
Âm thanh trong không gian: Sử dụng thông tin về vị trí của người dùng và độ sâu trường ảnh (field of view / FOV) khi bật audio. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt về mức độ "đắm chìm" của người dùng trong môi trường.
Các gợi ý: Trong VR, bạn luôn biết đối tượng mà người dùng đang quan sát. Do vậy, hãy sử dụng nó như một lợi thế. Bạn có thể tạo ra các vật thể không có tính tương tác trong môi trường khi người xem nhìn vào chúng.
Không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo: Trải nghiệm thực tế ảo càng tốt thì mức độ "đắm chìm" và ảo giác tạo ra cho người xem càng cao. Do vậy, đừng bỏ qua bất cứ cơ hội nào khiến môi trường thực tế ảo của bạn hoàn hảo hơn nhé.
Lưu ý quan trọng: Người dùng không nên sử dụng ứng dụng này khi đang lái xe, đi bộ hay đang bị phân tán bởi các yếu tố khác trong môi trường thực tế.
Nắng Mai